Phi công (tiếng Anh là Pilots) là người lái, điều khiển máy bay hoặc thiết bị bay bằng lực đẩy động cơ. Từ này áp dụng cho người lái và chỉ huy tổ bay trên máy bay nhiều người điều khiển. Đây là một nghề nghiệp phức tạp và yêu cầu cao, phi công phải được đào tạo và vượt qua các kỳ thi, kiểm tra về thể lực, kiến thức và kỹ năng điều khiển máy bay.
B. NGÀNH PHI CÔNG SẼ HỌC GÌ?
Để trở thành phi công, các bạn cần tham gia khóa học phi công tại cơ sở huấn luyện được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.
Học viên phi công được đào tạo tại các khóa ngắn hạn. Khi được tuyển vào trường phi công, người học sẽ được Huấn luyện cơ bản, huấn luyện lý thuyết nâng cao, huấn luyện kỹ năng bay sử dụng thiết bị, huấn luyện kỹ năng bay nâng cao, sử dụng thiết bị.
Chương trình huấn luyện phi công cơ bản diễn ra trong 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, các học viên sẽ trải qua 6 tháng huấn luyện với 14 môn học lý thuyết, 783 giờ học, 30 giờ thi, 3 giờ bay SIM (buồng lái mô phỏng-Simulator) với chương trình chuẩn châu Âu. Học viên sẽ học về nguyên lý bay, máy bay, kiến thức hệ thống, thiết bị hàng không, nhân tố con người, khí tượng, liên lạc hàng không, dẫn đường cơ bản, dẫn đường vô tuyến điện, lập kế hoạch bay, tính năng bay, cân bằng trọng tải, phương thức bay, Luật hàng không.
Sau khi hoàn thành khóa học lý thuyết ATP, ở giai đoạn 2, các bạn sẽ lựa chọn Trường huấn luyện bay tại nước ngoài. Đây là các đối tác được các nhà đương cục uy tín trên thế giới (EASA, FAA, CASA, CAANZ) phê chuẩn, Cục Hàng không Việt Nam công nhận và Vietnam Airlines chấp nhận.
Trong suốt quá trình huấn luyện, trường luôn theo dõi tiến độ và chất lượng huấn luyện của từng học viên; liên tục kết nối với nhà trường để xử lý tình huống cả về kỹ thuật cũng như việc tuân thủ kỷ luật của học viên đối với nhà trường.
Phẩm chất của các phi công chuyên nghiệp được rèn luyện suốt quá trình huấn luyện tại trường và các trường đối tác, được củng cố, đánh giá trong giai đoạn huấn luyện Phối hợp tổ bay (Multi Crew Cooperation – MCC). Đây là khóa huấn luyện bắc cầu đưa học viên tiếp cận với môi trường khai thác của các Hãng Hàng không.
Sau khi kết thúc học bay SIM thì học viên chuyển ra ngoài bay huấn luyện.
Bằng lái của phi công chỉ có thời hạn trong 5 năm, mỗi năm phải trải qua 8 lần kiểm tra, trượt lần nào thì không còn là phi công nữa. Hàng năm, các phi công phải kiểm tra sức khỏe định kỳ (phi công trên 40 tuổi kiểm tra 2 lần/năm), huấn luyện định kỳ (trên SIM) 2 lần/năm, kiểm tra bay thực tế 1 lần/năm, 4 lần thi về thiết bị an toàn, an ninh, kiểm tra Tiếng Anh và các loại thị khác (phương thức bay mới, thiết bị mới) việc thi này lặp đi lặp lại hàng năm.
Để huấn luyện đào tạo ra một phi công sẽ tiêu tốn khoảng từ 1,8 – 2,5 tỷ đồng. Thời gian đào tạo phi công cơ bản ở tại Việt Nam từ 22-24 tháng, trong đó nếu làm phi công của Vietnam Airlines bắt buộc phải học 3 tháng quân sự. Sau đó phi công sẽ phải mất thêm 5 tháng để học chuyển loại. Đầu ra của phi công là Vietnam Airlines với mức lương khởi điểm là 60 triệu đồng/tháng.
C. TIÊU CHUẨN ĐỂ HỌC PHI CÔNG
Để tham gia chương trình học phi công, các bạn học sinh phải đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe, tiêu chuẩn về bệnh lý, lý lịch tư pháp… rất chi tiết.
Sau đây chỉ là một số nét tổng quát:
- Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Trình độ: Tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên
- Trình độ tiếng Anh: TOEIC 550 trở lên còn hiệu lực hoặc tương đương
- Tuổi đời (tính theo năm sinh): từ 18 đến 33 tuổi
- Chiều cao: Đối với Nam từ 1m65 trở lên, đối với nữ từ 1m60 trở lên
- Cân nặng: Đối với Nam từ 54kg trở lên, đối với nữ từ 48 kg trở lên
- Ngoại hình cân đối, không khuyết tật; ưa nhìn
- Giao tiếp tốt, mạnh dạn, tự tin, nói và viết tiếng Việt lưu loát; không nói ngọng, nói lắp
- Đạt tiêu chuẩn sức khỏe đối với phi công dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam
- Lý lịch bản thân, gia đình rõ ràng
- Không có tiền án, tiền sự (theo xác nhận lý lịch tư pháp).
D. PHI CÔNG BAO GỒM NHỮNG CÔNG VIỆC GÌ?
Với nhiều người thì công việc phi công là điều khiển máy bay trên bầu trời nhưng đó chỉ là một phần công việc rất nhỏ trong chuỗi những công việc mà phi công cần phải làm trong khi thực hiện chuyến bay của mình. Nội dung dưới đây của Bình Minh mong rằng sẽ giúp các bạn học sinh hiểu hơn về công việc phi công nhé!
- Tiếp nhận thông tin và chuẩn bị - kiểm tra về thông tin đường bay, chuyến bay một cách cụ thể và chi tiết nhất
- Kiểm tra phục vụ cho công tác trước chuyến bay bao gồm việc kiểm tra các chi tiết sau: số lượng hành khách, khối lượng và số lượng hàng hóa được vận chuyển trong chuyến bay, nguồn nguyên/nhiên liệu phục vụ cho chặng bay có đủ hay không?, các thiết bị điều khiển máy bay và đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trước chuyến bay đối với việc kiểm tra và sự bảo dưỡng các thiết bị
Công việc được thực hiện trong quá trình bay:
- Thực hiện vận hành lái máy bay theo sự chỉ dẫn và thông báo của hệ thống kiểm soát không lưu hay kiểm soát không lưu để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, cho tính mạng hành khách trên chính chuyến bay đó và cho toàn bộ nhân viên trên chuyến bay
- Đối với khách hàng, phi công cũng là người thực hiện việc thông báo, chỉ dẫn đối với các hàng khách trên chuyến bay với các thông tin cụ thể về thời gian bay, thời gian hạ cánh, các lưu ý đối với hành khách khi tham gia chuyến bay, tình hình thời tiết trong chuyến bay như thế nào để đảm bảo cho các hàng khách có được thông tin cụ thể về hành trình bay, từ đó việc phối hợp của các hành khách trên chuyến bay đối với các cán bộ nhân viên thực hiện sẽ tốt hơn.
- Đối với các nhân viên có tham gia trong chuyến bay: phi công cũng là người điều hành các tổ hay bộ phận trong vận hành – buồng lái và cả các bộ phận phục vụ hành khách trên chuyến bay – tổ viên
- Công việc thực hiện đối với trạm kiểm soát không lưu – phi công luôn phải tiếp nhận các thông báo – trả lời báo cáo – báo cáo về tình hình đường bay từ khi bắt đầu đến khi kết thúc chặng bay để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối và tránh được các rủi ro trong quá trình bay
- Công việc sau cùng đó chính là viết lại báo cáo với nội dung về quy trình cụ thể hay nhật ký chuyến bay đã thực hiện
E. MUỐN LÀM PHI CÔNG CẦN CÓ KỸ NĂNG GÌ?
Để trở thành một phi công chuyên nghiệp đòi hỏi các bạn học sinh sự kết hợp của rất nhiều kỹ năng. Dưới đây là một số phẩm chất và kỹ năng cần thiết để trở thành một phi công chuyên nghiệp.
Kỹ năng phân tích – xử lý tình huống
Trước và trong quá trình tham gia các chuyến bay, các tình huống bất ngờ có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào mà bạn không thể lường trước được. Phi công được rèn luyện để nhận biết được tình huống khẩn cấp, những yếu tố ảnh hưởng xấu đến chuyến bay – phân tích – xử lý tình huống tốt để có thể kiểm soát được sự an toàn của các chuyến bay và toàn bộ phi hành đoàn, hành khách.
Nhanh chóng và chuẩn xác
Tính chất công việc của phi công bắt buộc họ phải đưa ra những quyết định có độ chính xác tuyệt đối. Đối với từng tình huống khác nhau, các phi công cần đưa ra những ý kiến, đánh giá hợp lý để có thể có quyết định tối ưu nhất để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho chuyến bay, phi hành đoàn và hành khách trong tình huống mà họ đang gặp phải.
Kỹ năng làm việc nhóm
Ngay từ ở giai đoạn huấn luyện, phi công đã được làm quen và trải qua đào tạo để có thể phối hợp làm việc nhóm với phi hành đoàn, đây được xem là yếu tố bắt buộc yêu cầu ở mỗi người phi công. Kỹ năng phối hợp tổ lái, làm việc nhóm. Để vận hành được tốt một chuyến bay an toàn chính là ở sự thể hiện tốt của phi công và phi hành đoàn. Ngoài ra, phi công còn phải luôn phối hợp chặt chẽ với các kiểm soát viên không lưu và nhân viên điều phối bay.
Giao tiếp ứng xử
Không chỉ riêng nghề phi công, mà bất cứ các ngành nghề nào bạn cũng cần phải có kỹ năng giao tiếp và ứng xử tốt. Điều này có thể mang lại cho bạn hiệu quả công việc cao, mang lại môi trường làm việc thân thiện, vui vẻ, đặc biệt với nghề phi công _ phải làm việc trong môi trường với áp lực cao thì kỹ năng này là vô cùng cần thiết.
Chịu được áp lực cao
Tâm lý cũng là một trong những điều vô cùng quan trọng đối với mỗi phi công. Với cường độ huấn luyện cao – các học viên phi công sẽ được rèn luyện và làm quen trước với những áp lực và căng thẳng trong quá trình tham gia các chuyến bay. Trách nhiệm phải đảm bảo an toàn của hàng trăm hành khách và phi hành đoàn trong mỗi chuyến bay đòi hỏi người phi công phải rèn luyện cho bản thân một tinh thần thép.
F. CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO NGÀNH PHI CÔNG
Để đủ điều kiện bắt đầu học làm phi công, các bạn học sinh chỉ cần tốt nghiệp bậc trung học phổ thông. Sau đây là một số trường tại Việt Nam đào tạo ngành phi công các bạn có thể tham khảo:
Trường Phi công Bay Việt (Viet Flight Training)
Được thành lập bởi Vietnam Airlines, hiện là đơn vị đào tạo và cung cấp phi công lớn nhất cho ngành Hàng không Việt Nam kể từ năm 2008.
Chi phí đào tạo một học viên phi công cơ bản tại trường Bay Việt khoảng 1,8 tỷ đồng trong khoảng thời gian 18-20 tháng
Trong đó, giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000 USD-65.000 USD (1,3-1,6 tỷ đồng). Học phí của giai đoạn huấn luyện lý thuyết là 134 triệu đồng còn huấn luyện phối hợp tổ bay khoảng từ 99 triệu đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là con số lý tưởng trong trường hợp quá trình học của học viên suôn sẻ, không phải đóng thêm học phí cho những phân môn phải học lại.
Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup
Tổng chi phí đào tạo học viên phi công của Vinpearl Air là 120.000 USD trong 26 tháng (gần 2,8 tỷ đồng).
Theo Vingroup, chương trình này phi lợi nhuận, tất cả các học viên sẽ được ngân hàng cho vay tới 75% học phí, ân hạn trả gốc đến 26 tháng và trả dần khi bắt đầu đi làm.
Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup sẽ đứng ra bảo lãnh cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vay ngân hàng, được hỗ trợ 100% lãi vay; những trường hợp đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ kinh phí lên đến 50.000 USD/học viên, trong đó một phần sẽ được trích để trả lãi ngân hàng, một phần được trừ vào học phí phải đóng.
Công ty hàng không Tre Việt (Bamboo Airway)
Được cấp giấy chứng nhận đào tạo phi công. Bamboo Airways phối hợp với một số trường đào tạo phi công nước ngoài (ở Úc, Anh) để tuyển dụng và đào tạo phi công người Việt ở trường này. Dự kiến, chi phí đào tạo phi công tại các nước phát triển khoảng 50 – 100 nghìn USD tuỳ khóa học. Chi phí học ngành phi công thông qua Bamboo Airways sẽ giảm được khoảng 50% so với việc học toàn bộ tại nước ngoài về chi phí ăn ở, chi phí đào tạo.
Stanford Aviation international Company (SAIC)
Là trung tâm đào tạo liên kết với ROYHLE FLIGHT TRAINING (Philippines) được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép hoạt động. Học phí một khoá huấn luyện phi công cơ bản khoảng 72.000 USD (Khoảng 1,7 tỷ đồng) cho khoảng 14 tháng.