Ngành Tâm Lý Học Là Gì? Làm Gì? Cần Gì? Ai Sẽ Phù Hợp?

06:56, 09/04/2022
Tâm lý học đang được xem là ngành “hot” và rất cần nhân lực trong những năm gần đây. Hiện nay, ngành Tâm lý học đã trở thành một ngành học hấp dẫn, thu hút đông đảo bạn trẻ Việt Nam với triển vọng nghề nghiệp vô cùng rộng mở. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin tổng quan về ngành học này để giúp bạn dễ dàng đưa ra lựa chọn chọn có nên học ngành Tâm lý học không nhé.
Ngành Tâm Lý Học Là Gì? Làm Gì? Cần Gì? Ai Sẽ Phù Hợp?

A. TÂM LÝ HỌC LÀ GÌ?
Tâm lý học (tiếng Anh là Psychology) là một bộ môn học thuật thuộc khoa học xã hội, tìm hiểu về các cá nhân và nhóm bằng cách thiết lập những nguyên tắc chung và nghiên cứu những trường hợp cụ thể. Là ngành khoa học nghiên cứu về tâm trí và hành vi, về mọi mặt của ý thức, vô thức và tư duy. Tâm lý học cũng chú tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý, và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần của con người.
Ngành Tâm lý học nghiên cứu việc xử lý thông tin và biểu hiện hành vi ở con người, làm rõ bản chất của con người bằng cách đi sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống, từ kinh tế, chính trị, xã hội cho đến văn hóa, giáo dục, y học, triết học… Hiện nay, tâm lý học được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong tất cả các mối quan hệ của đời sống ở tất cả các lĩnh vực của xã hội.
Theo học ngành Tâm lý học, các bạn sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ sở tới nâng cao về lĩnh vực tâm lý như: tâm lý học giao tiếp, tâm lý học gia đình, tâm lý học lao động, tâm lý học giáo dục, liệu pháp nhận thức hành vi, tham vấn học đường, các chuyên đề về tệ nạn xã hội, chuyên đề về xử lý tình huống trong đời sống…

B. CÁC VỊ TRÍ CÔNG VIỆC NÀO CÓ THỂ LÀM KHI HỌC TÂM LÝ HỌC? 
Jason Chow, sinh viên ngành Tâm lý học tại Đại học University College London nói: ‘Nếu theo học ngành tâm lý học, bạn có thể sẽ tránh được rất nhiều khuôn mẫu định kiến; thay vào đó là vô số lựa chọn – có người muốn nghiên cứu bệnh tự kỷ, người lại lựa chọn làm bác sĩ, người khác lại chọn làm cho ngân hàng đầu tư. Tâm lý học là một lựa chọn hoàn hảo, phù hợp với những con người và tính cách khác nhau, giúp bạn đến được với rất nhiều lĩnh vực ngành nghề đa dạng’.
   Sau khi tốt nghiệp bạn có thể đảm nhận các công việc sau:
  • Nhà tâm lý học đường:
  • Làm việc tại các trường học với vị trí phụ trách tâm lý học đường, hỗ trợ giáo viên, cha mẹ học sinh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
  • Công việc chính là tham gia vào việc giúp cho những học sinh có thể giải tỏa được những áp lực, khúc mắc trong học tập, cuộc sống từ đó có thể chuyên tâm vào việc học tập đạt thành tích tốt.
  • Nhà trị liệu tâm lý:
  • Làm việc tại các bệnh viện tâm thần, các trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý.
  • Công việc của bạn có thể là làm việc độc lập hoặc hỗ trợ cho các bác sĩ tâm thần giúp cho người cần trị liệu phân tích, hiểu và giải quyết những mâu thuẫn tâm lý với người khác cũng như là những khó khăn tâm lý của chính bản thân mình.
  • Chuyên viên tham vấn:
  • Làm việc tại các trung tâm tư vấn, trực các đường dây nóng, tổ chức phi chính phủ…
  • Công việc của bạn là gặp gỡ, trò chuyện giúp cho những người có nhu cầu hiểu, nhận thức được vấn đề của mình và tự tìm cách giải quyết.
  • Nhà tâm lý học:
  • Làm việc ở các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học cao đẳng, các công ty truyền thông…
  • Công việc của nhà tâm lý học cũng rất đa dạng, họ có thể làm công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách liên quan đến tâm lý ứng dụng trong quản trị, kinh doanh, tham gia vào các dự án, tổ chức trong và ngoài nước.
  • Nhà tư vấn tuyển dụng:
  • Làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu, bệnh viện...
  • Công việc của bạn là giúp các nhà quản lý doanh nghiệp, tổ chức… đánh giá nhu cầu nhân lực của tổ chức, nghiên cứu để xác định các yêu cầu của vị trí tuyển dụng, lên kế hoạch và thực hiện phỏng vấn tuyển dụng các ứng viên có những đặc điểm phù hợp.
C. MUỐN LÀM TÂM LÝ HỌC CẦN CÓ KỸ NĂNG GÌ? 
Để theo đuổi và chinh phục ngành Tâm lý, nếu chỉ có đam mê đôi khi là chưa đủ. Trên thực tế, các chuyên gia Tâm lý thường sở hữu một số tố chất quan trọng sau đây:
  • Khả năng lắng nghe và thấu cảm
Dù bạn là một nhà Tâm lý hay đảm nhiệm một vị trí công việc yêu cầu sử dụng các kiến thức Tâm lý, bạn nên biết cách đặt mình vào vị trí của người xung quanh để có những góc nhìn khách quan về sự việc, từ đó biết lắng nghe và cảm thông trước câu chuyện của người đối diện. Phiến diện, bảo thủ hoặc thiếu khả năng thấu cảm là những tính cách không nên có của một chuyên gia trong ngành Tâm lý. Đó cũng chính là lý do những người làm việc áp dụng chuyên môn trong ngành Tâm lý thường sẽ có trí thông minh cảm xúc cao.
  • Khả năng giao tiếp hiệu quả
Một trong những mục tiêu cơ bản của ngành Tâm lý là kiểm soát và thay đổi hành vi, giúp con người có đời sống tinh thần tốt hơn. Chính vì vậy, sự khéo léo trong giao tiếp là chìa khóa để mở ra những buổi tư vấn tâm lý hiệu quả, cho ra được những giải pháp tối ưu. Một người làm việc trong ngành Tâm lý cần học cách giao tiếp thông minh, đồng thời có cả khả năng diễn đạt thông suốt, với những lý lẽ thuyết phục người nghe.
  • Sự kiên trì và khả năng chịu đựng áp lực
Đối với những bạn muốn theo học và làm việc trong lĩnh vực Trị liệu Tâm lý, sự kiên trì và khả năng chịu được áp lực công việc cao chính là hai tố chất không thể thiếu. Trọng trách của một nhà Tâm lý Học chính là giúp đỡ người đối diện tìm ra phương hướng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của họ. Công việc này thường đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả chất xám. Do đó, việc trang bị cho bản thân lòng kiên trì, quyết tâm và khả năng không ngại đối diện với áp lực chính là bước đệm cần thiết giúp bạn thành công trên con đường học và làm trong ngành Tâm lý.
  • Khả năng quan sát và phân tích dữ liệu
Cuối cùng, một chuyên gia trong ngành Tâm lý còn phải có khả năng quan sát và phân tích dữ liệu để đánh giá tình huống chính xác, kết hợp cùng khả năng giải quyết vấn đề để tìm ra những giải pháp Tâm lý cần thiết. Bạn hãy chắc chắn rằng mình sẵn sàng tự trang bị những tố chất kể trên trước khi bước vào một khóa đào tạo Tâm lý nhé!

D. AI SẼ PHÙ HỢP VỚI NGÀNH TÂM LÝ HỌC ? 
Tâm lý học là một ngành rất đặc thù. Kiến thức cần phải học rất lớn. Đặc biệt là phải đối mặt với những ca bệnh khó, phức tạp. Người phù với ngành Tâm Lý Học là người
  • Khéo léo, biết lắng nghe và chia sẻ.
  • Linh động, biến hóa trong mọi tình huống.
  • Thích khám phá, nghiên cứu thế giới nội tâm.
  • Ham hỏi học, không ngại khó khăn.
  • Tư duy tốt.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt.
  • Kỹ năng giao tiếp tốt.

E. CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH TÂM LÝ HỌC 

STT

Tên trường

Tên khoa

Điểm đầu vào

2019

2020

2021

1

Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia Hà Nội

Tâm lý học

16.0-25.75

19.5-24.75

24.7-26.5

2

Đại học Lao động – xã hội

Tâm lý học

14.0-14.5

15.0

18.0

3

Đại học Sư Phạm

Tâm lý học giáo dục

19.25-22.

22.5-24.245

25.4-26.5



Giáo Dục BÌNH MINH