Tất Tần Tật Thông Tin Về Ngành Xã Hội Học Bạn Cần Biết

04:49, 08/04/2022

Bạn là học sinh THPT đang băn khoăn không biết chọn ngành gì phù hợp? Bạn là người năng động muốn tham gia các hoạt động cộng đồng, bạn đã từng được tư vấn hướng nghiệp nên theo ngành Xã hội học nhưng vẫn còn phân vân không biết học ngành này có phù hợp với mình hay không? ra trường làm việc gì? Vậy hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để xem ngành học này có thích hợp với mình không nhé. 

Tất Tần Tật Thông Tin Về Ngành Xã Hội Học Bạn Cần Biết

A. NGÀNH XÃ HỘI HỌC LÀ GÌ? 

   Xã hội học được hiểu một cách cơ bản là ngành học cung cấp, bổ sung các kiến thức cho sinh viên về nhiều vấn đề trong xã hội, phân tích nghiên cứu các vấn đề xã hội trong quản trị doanh nghiệp, hành chính. Sinh viên ngành xã hội học sẽ được đào tạo các môn học như nhân chủng học, tâm lý học xã hội, triết học, tâm lý học, dân tộc học, nhân học. 

   Ngành xã hội học giúp sinh viên có thể nắm bắt và phân tích các vấn đề trong xã hội, tìm hiểu về quá trình các hành động và ý thức của con người được hình thành và định hình bởi các cấu trúc văn hóa, xã hội xung quanh. Sinh viên có nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu và trả lời các vấn đề như: Tại sao bạo lực trẻ em ngày một gia tăng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình,… nó gắn liền với sự phát triển của xã hội, phát triển của cộng đồng.

B. HỌC NGÀNH XÃ HỘI HỌC THÌ SẼ HỌC GÌ? 

Mục tiêu của xã hội học là phân tích và khám phá hành vi, ý thức và mối quan hệ con người trong các xã hội khác nhau dựa trên quan điểm phổ quát toàn cầu. Theo học ngành xã hội học, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức sâu rộng về các vấn đề xã hội, kỹ năng phân tích sự kiện, hiện tượng xã hội, hành vi con người và trang bị năng lực tư vấn, xây dựng các chính sách xã hội nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển của đất nước.

Khung chương trình đào tạo của ngành xã hội học thường bao gồm 4 năm. Năm đầu tiên thường là phần giới thiệu về xã hội học đại cương cùng các vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị, tạo cơ hội cho sinh viên khám phá các khía cạnh xã hội học mà họ quan tâm nhất. Sự phân chia lĩnh vực sẽ trở nên chuyên biệt hơn trong năm thứ 2 và thứ 3, phân nhánh trên nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm bình đẳng giới, chủng tộc, văn hóa, chính trị ... Trong năm cuối, sinh viên chủ yếu tập trung thực hiện học phần nghiên cứu xã hội học dựa trên những kiến thức, kỹ năng nghiên cứu đã học được trong toàn bộ quá trình học tập.

Dưới đây một số môn học nổi bật trong chương trình đào tạo của ngành xã hội học.

  • Hành vi con người và môi trường xã hội

  • Lịch sử văn minh thế giới

  • Tâm lý học xã hội

  • Xã hội học truyền thông đại chúng và dư luận xã hội

  • Phương pháp nghiên cứu xã hội học

  • Xã hội học giới

  • Xã hội học môi trường

  • Xã hội học văn hóa

  • Xã hội học giáo dục

C. CÁC VỊ TRÍ CÔNG VIỆC NÀO CÓ THỂ LÀM KHI HỌC NGÀNH XÃ HỘI HỌC? 

Cử nhân ngành xã hội học có thể làm việc ở đa dạng các vị trí và lĩnh vực. Sau đây là những công việc mà sinh viên ngành xã hội học có thể đảm nhận sau khi ra trường

Nhân viên Xã hội học trong các tổ chức xã hội

Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể trở thành nhân viên xã hội học trong các tổ chức xã hội. Nhân viên xã hội học chịu trách nhiệm lên kế hoạch và thực thi các hoạt động, chiến dịch của tổ chức hướng tới nhiều mục đích xã hội khác nhau.

Công tác tư vấn trong các tổ chức chính phủ 

Với kiến thức chuyên môn sâu rộng về xã hội và nhân chủng học, sinh viên ngành xã hội học có thể trở thành các chuyên gia xã hội học làm việc trong các tổ chức chính phủ. Các chuyên gia xã hội học phụ trách tham vấn, xây dựng các chính sách xã hội cũng như kế hoạch triển khai chúng một cách hiệu quả.

Công tác nghiên cứu ở các trường học, trung tâm, viện nghiên cứu

Một lựa chọn khác cho sinh viên ngành xã hội học là công tác tại các trường học, trung tâm, viện nghiên cứu về xã hội học sau khi ra trường. Công việc này phù hợp cho những ai có niềm đam mê với chuyên ngành, đồng thời yêu thích việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho mọi người.

Phóng viên, biên tập viên trong các cơ quan truyền thông

Kiến thức chuyên sâu về xã hội học sẽ là một công cụ đắc lực nếu bạn lựa chọn làm phóng viên, biên tập viên cho các cơ quan truyền thông. Sự hiểu biết phong phú về hành vi xã hội của con người chắc chắn sẽ giúp bạn hoàn thành công việc liên quan đến lĩnh vực truyền thông một cách xuất sắc.

TỔNG HỢP CÔNG VIỆC BẠN CÓ THỂ LÀM NẾU HỌC NGÀNH XÃ HỘI HỌC

- Biên tập viên, Phóng viên; Quảng cáo; Tổ chức sự kiện.

- Điều hành các tổ chức dân sự; Quản trị các dự án đầu tư xã hội; Quản trị nhân sự; Quan hệ khách hàng; Thống kê; Bán hàng và quản lý khách hàng.

- Nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển bền vững; Nghiên cứu thị trường; Nghiên cứu và tư vấn truyền thông, quảng cáo; Điều tra dư luận xã hội.

- Làm điều phối viên, chuyên viên cho các quỹ phát triển, hoạt động tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức từ thiện; Làm nhân viên công tác xã hội, phát triển cộng đồng.

- Làm chuyên viên trong các cơ quan hành chính sự nghiệp (văn hóa, lao động, dân số, giáo dục, y tế, thống kê, dân tộc, dân vận, tuyên giáo), cơ quan đảng và đoàn thể, cơ quan an ninh và phòng chống tệ nạn xã hội.

- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng; Giảng dạy, tập huấn các khóa ngắn hạn cho các tổ chức, cộng đồng có nhu cầu.

D. AI SẼ PHÙ HỢP VỚI NGÀNH XÃ HỘI HỌC? 

Nếu bạn có hứng thú với những lĩnh vực của ngành xã hội học, nhưng lại đang phân vân liệu bản thân có phù hợp với ngành học này hay không thì hãy cùng tìm hiểu những yêu cầu cần thiết để theo đuổi ngành học này nhé.

Sự tò mò và quan tâm đến xã hội

Xã hội học chắc chắn không dành cho những ai thờ ơ với các vấn đề xã hội. Để hiểu và lan tỏa ảnh hưởng đến xã hội, bạn cần có sự quan tâm đặc biệt và liên tục đối với con người, cùng như dành thời gian tham gia vào nhiều hoạt động xã hội khác nhau. Điều này giúp các sinh viên xã hội học duy trì sự tò mò, dẫn đến việc đặt ra nhiều câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời.

Khả năng nghiên cứu, phân tích chuyên sâu

Sinh viên ngành xã hội học cần dành nhiều thời gian để quan sát và thu thập thông tin, dữ liệu trong suốt quá trình học tập. Điều này đòi hỏi khả năng nghiên cứu, phân tích chuyên sâu một cách kiên trì, bền bỉ liên tục.

Khả năng thấu hiểu người khác

Trí thông minh cảm xúc là khả năng xác định, diễn giải chính xác và phản ứng thích hợp với những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người khác. Nếu muốn theo đuổi lĩnh vực xã hội học, bạn nhất thiết cần có yếu tố này. Bạn phải có khả năng đánh giá các khía cạnh khác nhau của xã hội ảnh hưởng như thế nào đến tình cảm, tinh thần và thể chất của con người.

Tổng hợp tố chất cho thấy bạn phù hợp với ngành Xã hội học:

- Thích tìm hiểu các quy luật trong đời sống xã hội;

- Suy nghĩ sâu sắc, độc lập, sáng tạo;

- Chăm chỉ, chịu khó, ngăn nắp, tỉ mỉ;

- Có khả năng tự tổ chức công việc, khả năng tự học, tự nghiên cứu;

- Không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội;

- Thích học các môn xã hội.

E. CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÀO TẠO NGÀNH XÃ HỘI HỌC 

STT

Tên trường

Tên khoa

Điểm đầu vào

2019

2020

2021

1

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội)

Xã hội học

21.0

23.75

25.5

2

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Xã hội học

19.65

23.35

24.9

3

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM

Xã hội học

22.0

24.0

25.2

4

Đại học Mở TPHCM

Xã hội học

15.50

19.5

23.1

5

Đại học Khoa học Huế.

Xã hội học

Chưa có

15.75

18.5

66

Đại học Văn Hiến

Xã hội học

15.0

16.0

18.0


Giáo Dục BÌNH MINH